Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

TƯ TƯỞNG VÀ TRIẾT LÝ QUỐC THÁI DÂN AN CỦA TIỀN NHÂN TRONG CÁC TRIỀU ĐẠI PHONG KIẾN QUA VẤN ĐỀ NÔNG DÂN

PGS TRẦN THỊ BĂNG THANH
TMT: Minh Triết trị quốc an dân của tiền nhân luôn là một chủ đề thiết thực cho sự phát triển của Việt Nam, vì vậy TMT trân trọng giới thiệu một nghiên cứu của PGS Trần Thị Băng Thanh về tư tưởng và triết lý trị quốc của ông cha ta đặc biệt là vấn đề nông dân và sở hữu ruộng đất, đó thật sự là những bài học quý giá mà tiền nhân để lại cho chúng ta.


PHẦN II: VẤN ĐỀ NÔNG DÂN VÀ RUỘNG ĐẤT TỪ LỊCH SỬ

II. Từ quan niệm, ý tưởng đến những chính sách cụ thể - Nhìn qua vấn đề nông dân
Nước ta là một nước nông nghiệp, nông dân chiếm đại đa số trong các thành phần của dân tộc. “Nuôi” được một số dân đông đảo như thế, lại còn bao nhiêu nhu cầu khác, nào bổng lộc cho quan chức bộ máy hành chính, nào chi phí quốc phòng, giáo dục, tế tự..., tất cả đều trông vào đất đai và nguồn thu nhập chính là cây lúa cùng các sản phẩm từ nông nghiệp.
Cho nên “Được mùa” là một yếu tố hết sức quan trọng, là biểu tượng của sự thịnh vượng. Mỗi khi được mùa thì trên từ vua quan, dưới đến kẻ sĩ, thứ dân đều rất vui mừng. Vua Lý Thái Tổ đã có một biểu hiện rất đặc biệt về sự vui mừng đó, năm 1016 nhân “được mùa to, 30 bó lúa giá 70 tiền” vua “Ban chiếu cho thiên hạ ba năm không phải nộp thuế”(34). Nhiều nhà thơ có thơ “mừng được mùa”, mừng điềm báo mưa thuận gió hòa, mừng mưa mừng nắng đúng thời ... Nhưng mỗi khi mùa màng thất bát, thiên tai lụt lội thì tất cả đều lo âu. Mưa hay nắng trái thời đều có phần trách nhiệm của nhà vua, nhà vua lập tức lập đàn cầu đảo, sám hối, xin trời tha cho những lầm lỗi của mình, đừng trách phạt liên lụy đến bách tính. Những lễ cầu mưa cầu nắng đều được các vua và đình thần coi trọng, sử sách ghi chép cẩn thận.     
 Nhà nước phong kiến coi trọng nghề nông, lấy nghề nông làm gốc cho nền kinh tế (dĩ nông vi bản). Chính vì thế đối sách về vấn đề nông dân, tính toán làm sao sử dụng đất đai một cách hữu ích nhất, bao giờ cũng là một trọng tâm khi đặt những chế định, chính sách ... của mọi triều đại phong kiến Việt Nam. Vấn đề đó được chú trọng trong công việc chính sự đồng thời cũng là vấn đề của tình cảm, xuất phát từ quan niệm, từ nền tảng tư tưởng. Có thể lần dở lại những trang sử từ những ngày đầu mới giành lại nền độc lập để xem xét.
Trước hết là quan niệm
Người xưa quan niệm nghề nông là cao quý, nông nghiệp là nền tảng  quốc gia “dĩ nông vi bản”, không chỉ trên vấn đề kinh tế mà còn cả đạo đức văn hóa ... Một vị thần được tôn kính ngang (hoặc chỉ sau trời đất) là vị thần dạy dân trồng lúa. Phan Huy Chú có ghi rằng: “Đời xưa thiên tử lấy ngày nguyên đán tế trời ở đàn Nam giao, tế phối thần Hậu Tắc để làm lễ cầu được mùa.”(35). Mặc dù trong tứ dân, nông đứng thứ hai nhưng xem ra nông có một vị trí không thể thay thế trong cơ cấu của đất nước. Trong những ngày đầu mới gây dựng lại quốc gia, nhà vua, nhân vật tối cao của đất nước đã không thể bỏ qua một công việc nhà nông, đó là cày ruộng Tịch điền.   
Vua Lê Đại Hành vào ngày đầu năm mới đích thân đi cày trong lễ “Tịch điền” ở chân núi Đọi. Trong giới nghiên cứu sử học, có người cho rằng vào thời Tiền Lê, Lý, trong cơ cấu ruộng đất, nhà vua có dành một số lượng đất đai làm “Quốc khố”, đó là số ruộng mà hoàng tộc sở hữu và sử dụng, cũng như những người dân bình thường trong làng xã, mỗi nhà có một phần ruộng đất được quyền sở hữu (số ruộng này có thể tự mình khai khẩn, có thể được phân chia trong số đất đai công). Trong ngày đầu năm, sau khí tế trời (tế Nam giao), tế đất (tế Hậu Tắc) là làm lễ Tịch điền, vua đích thân cầm cày theo trâu cày ruộng. Có thể việc nhà vua đích thân cầm cày tự mình điều khiển trâu cày 3 đường cũng chỉ là nghi lễ, nhưng ở đấy thể hiện một quan niệm. Thứ nhất, con cháu phải tự tay làm ra sản phẩm để dâng cúng ông bà, như thế mới thể hiện được đạo hiếu. Thứ hai, đứng đầu thiên hạ, nhà vua phải là người làm gương, dắt dẫn muôn dân. Có một năm dưới thời Lý Thái Tông, năm 1038, sử ghi “Mùa xuân, vua ra Bố Hải khẩu (nay là Thành phố Thái Bình) cày ruộng Tịch điền. Sai quan dọn cỏ, đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông xong, cầm cày, muốn tự làm lễ tự cày, các quan tả hữu có người can: “Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế.” Vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì mà làm xôi cúng, lấy gì để xướng xuất thiên hạ”. Thế rồi đẩy cày 3 lần rồi thôi”(36) Theo thống kê của nhà nghiên cứu Sử học Vũ Huy Phúc từ cuối thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIV có 7 lần vua làm lễ Tịch điền, trong đó 1 lần dưới thời Lê Hoàn, 5 lần dưới thời nhà Lý, 1 lần dưới thời Trần. Đến đời Lê, vua Thánh Tông cũng còn theo nghi lễ này, nhưng từ Lê Trung hưng về sau thì việc đó giao cho quan Phủ Doãn. Và Phan Huy Chú chê là “chỉ làm cho đủ hình thức không phải có ý trọng việc như đời xưa nữa.”(37) Có thể dẫn chứng thêm một điều là trong bộ sử chính thống của nước ta – Đại Việt sử ký toàn thư – các sử gia đã coi ông tổ của tộc người mình là Thần Nông, Hậu Tắc, những người mà truyền thuyết khẳng định là dạy dân trồng lúa... Sau này, đến thế Kỷ XVIII, học giả - văn nhân Ngô Thì Sĩ còn khẳng định nghề nông là một đạo, mà là một đạo rất căn bản:
Đạo của nghề nông rộng và xa lắm. Nghề nông sinh ra cùng với trời đất, hàm dư­ỡng tinh anh mà nuôi chúng ta. Đất nước dựa vào đấy, sinh dân dựa vào đấy để nâng đỡ cương thường, làm đẹp phong tục, trị bình thiên hạ. Tất cả chẳng việc gì không có công của nghề nông. Lục phủ(38) hoàn thành ở đó, bát chính(39) bắt đầu ở đó. Hành mộc hành kim sinh thành có thể lấy làm căn cứ để xem tiết trời; lúa mạ cao thấp có thể dựa vào để xem tính đất. Phân khoảnh đắp bờ, chia sào chia mẫu, chỗ ngang chỗ nghiêng, chỗ quanh chỗ thẳng, chỗ bằng như đá mài, chỗ đứt như vạch cắt, xem vào đó để có thể hiểu được việc trị nước. Ghét cỏ như giặc, yêu lúa như con, tưới tắm đúng thời, bắt diệt sâu bọ, xem vào đó có thể hiểu được việc chính sự. Vì thế suốt ngày gắng gỏi, đến tối mới nghỉ, cố gắng theo được đạo của trời, an ủi dân, khuyến khích tướng, nuôi người hiền, dân sẽ được sự nuôi dưỡng vô cùng. Trời cho, đất sinh, lợi ích không bị một hạn định nào; nếu theo được trời mà thực hành đúng thời thì sẽ được lợi ích lớn.” (Nông đáp)(40).
Người xưa cũng quan niệm bất cứ ai, dù vua quan, kẻ sĩ, quân đội ... đều được nuôi sống bàng nghề nông, bằng những người cày ruộng. Cho nên Nguyễn Trãi viết Ăn lộc đều ơn kẻ cấy cày(41). Lộc vua ban, nhưng đều do công sức người cấy cày làm ra, cho nên ăn lộc vua mà mang ơn người làm ruộng. Và Ngô Thì Sĩ nói một cách da diết: “... hoặc quan hoặc lại, phải nhớ rằng được no ấm đều nhờ ơn nước, bổng lộc đều là máu mỡ của dân...”(42), cho nên kẻ làm quan, người làm lại phải lo dắt dẫn dân, chăm sóc dân, đem lại đời sống yên lành để dân được yên vui sinh sống. Lý Thái Tông nhân năm được mùa, trong một tờ chiếu có nói: “Nếu dân đã no đủ thì trẫm còn lo gì thiếu thốn”(43). Những người làm vua nhận thức được rằng xã hội loạn lạc, dân đói kém liền năm, vua là người chịu trách nhiệm lớn. Ngay Lý Cao Tông (1173 – 1210, làm vua 35 năm (1176 – 1210), bị sử chê là “chơi bời vô độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp nổi lên như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý suy từ đấy”(44) cũng có lúc tỉnh lại, đã có một lời sám hối rất cảm động:
“Trẫm đang lúc còn nhỏ mà phải gánh vác sự nghiệp lớn lao, ở chỗ chín tấng sâu xa mà không biết được những việc gian khổ của dân, lại tin dùng bọn tiểu nhân để rước lấy sự oán trách của lớp người dưới. Dân đã oán trách trẫm sẽ trông cậy vào ai? Bây giờ, trẫm xin cải hối, trẫm tự sửa chữa lỗi lầm, để bắt đầu cùng sống với dân.
Những người có đất đai, sản nghiệp bị mất về tay các quan thì được trả lại tất cả.”(45)
Xuất phát từ những quan niệm rất nhân văn như trên, nhiều kế sách cụ thể về nghề nông, về đất đai đã được chế định.
Một trong những điều quan trọng đầu tiên là vấn đề sở hữu đất đai. Người xưa có lẽ không giới thuyết thật “rành mạch” khái niệm “sở hữu”, nhưng có vẻ như việc sử dụng đất đai được coi như một quyền tự nhiên của người dân. Trong thơ văn thời trung đại, trừ văn học dân gian có những chuyện chàng trai mồ côi phải ở gốc đa, hang núi, bờ đê, còn hầu như mọi người dân đều có nhà, dù nhà tranh hay nhà ngói, dù rộng hay hẹp, thậm chí chỉ là một túp lều, để ở. Khi xiêu dạt đến nơi này nơi khác, trở thành người ngụ cư, cũng vẫn có thể kiếm được một chốn nương thân. Khái niệm “thuê nhà” hãn hữu mới gặp, càng không có cái nghề “cho thuê nhà” như ngày nay. Tuy nhiên, ruộng là một vấn đề rất lớn. Không có ruộng, người nông dân không có cuộc sống ổn định, dù có làm thuê, làm mướn nhưng vẫn là hạng cùng dân và trong những hoàn cảnh khó khăn buộc phải bỏ làng mà đi. Vậy thì nguồn gốc những ruộng đất mà người nông dân sở hữu ấy là từ đâu, hay nói một cách khác là “hình thái sở hữu đất đai” thời xưa là thế nào? Nghiên cứu thời kỳ đầu tự chủ (thế kỷ X – XV), các nhà sử học đều cho rằng thiếu những tư liệu cụ thể, trực tiếp nên khó đưa ra những nhận định chính xác. Tuy vậy, dưới thời nhà Trần, người ta đã thấy có các loại: ruộng thuộc quyền sở hữu nhà nước (tức là vua), ruộng được phong (vĩnh viễn và có thời hạn), ruộng thái ấp, ruộng công và ruộng tư. Mỗi làng xã đều có một số ruộng công, nhiều hay ít tùy theo điều kiện đất đai của địa phương; ruộng công chia theo suất đinh, phải chịu sưu thuế, có tài liệu nói ruộng tư phải nộp thuế nhưng có nhẹ hơn ruộng công. Hiện không rõ hình thức ruộng tư có từ bao giờ, nhưng vào năm 1135 Lý Thần Tông đã ban một đạo chiếu, cho phép biết rằng bấy giờ quyển tư hữu đất đai đã được pháp luật khẳng định. Tờ chiếu viết “Những người bán ruộng, ao không được trả tăng tiền lên mà chuộc lại, làm trái thì phải tội”(46). Bảy năm sau, 1142, Lý Anh Tông lại có chiếu quy định bổ sung như sau: “Những người bán đoạn ruộng hoang hay ruộng thục (ruộng đã thuần hóa) đã có văn khế rổi thì không được chuộc lại nữa. Làm trái, xử phạt 80 trượng”(47), nhưng “ai có ruộng đất bỏ hoang hoặc bị người khác cấy cày trồng trọt trong vòng một năm thì được kiện mà nhận, quá hạn ấy thì cấm” (48). Những người có ruộng đất có thể đem cầm đợ và được phép chuộc về nhưng quá 20 năm mà chưa chuộc được thì không được phép chuộc nữa. Năm 1237 đời Trần Thái Tông, việc mua bán ruộng đất lại được quy thức hóa trong luật về thủ tục giấy tờ: “Phàm làm chúc thư, văn khế, nếu là về ruộng đất, vay mượn, thì người làm chứng in tay ở 3 dòng trước, người bán in tay ở 4 dòng sau”(49). Cũng Trần Thái Tông năm 1254 còn cho phép bán ruộng công cho dân làm ruộng tư, mỗi mẫu chỉ giá 5 quan. Vũ Huy Phúc tính ra mỗi mẫu ruộng chỉ đáng giá 5 thăng gạo, tương đương với 13,5kg. Đánh giá chính sách này, Vũ Huy Phúc cho rằng “việc bán ruộng công với giá rẻ 5 quan mỗi mẫu chắc chắn không những làm cho kẻ quyền quý thu được nhiều ruộng đất tư hữu trong tay mà còn có khả năng tạo ra một lớp tư hữu nhỏ và vừa về ruộng đất không nằm trong số các quý tộc”(50). Dù vậy thì người dân cũng được hưởng lợi, những người có chút thực lực cũng có khả năng trở thành một người có “gia tư”, có của ăn của để lâu dài. Lại nữa những người có sức lao động khai khẩn được nhiều ruộng hoang cũng có một tài sản, khi cần có thể bán đi để sử dụng vào việc cấp bách. Điều quan trọng là quyền sở hữu đất đai đã được nhà nước thừa nhận và bảo vệ thực sự. Sử cũng ghi rằng vào năm 1248, mở đầu một “chiến dịch” đắp đê lớn, dọc đường “từ đầu nguồn đến cửa biển để chống nước lụt tràn ngập, gọi là đê Đỉnh Nhĩ”, Trần Thái Tông đã ra lệnh: “Chỗ đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo giá trả tiền lại” (51). Và như tài liệu đã dẫn ở trên, Lý Cao Tông cũng đã cam kết “Những người có đất đai, sản nghiệp bị mất về tay các quan thì được trả lại tất cả.”
Nói chung quyền sở hữu ruộng đất của người dân được các triều đại thống nhất duy trì và còn tồn tại trong đời sống cộng đồng, ở miền Bắc là đến trước cuộc cải cách ruộng đất giữa thế kỷ trước. Dưới thời Lê, Mạc, Trịnh đều có những đạo luật bổ sung. Nhưng một điều quan trọng nữa là đất ruộng, dù công hay tư, đều không được bỏ hoang.
Trên cơ sở quyền sở hữu đất đai được khẳng định các triều đại đều có chính sách khuyến nông, những công việc nhằm phát triển nghề nông. Ở thời đại Lý Trần, công việc các vua làm được nhiều nhất cho nông nghiệp và đời sống dân chúng có lẽ là việc trị thủy. Hầu hết các con sông lớn ở miền Bắc đều đắp đê ngăn nước tràn và hàng năm đều được bồi đắp củng cố. Sử cho rằng việc đắp đê quai vạc là bắt đầu từ thời Trần Thái Tông. Các quan Hà đê rất được coi trọng và công việc nặng nề của họ là tuần đê, xử lý kịp thời những đoạn đê yếu, ngăn chặn ngay những chỗ sạt lở, bởi vỡ đê là một thảm họa, ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống của dân và của cả triều đình. Bùi Tông Hoan, một nhà thơ sống dưới thời Trần, vào năm Đinh Mùi (1307) nhân nước lớn vỡ đê Đam Đam đã có một bài thơ nói về trách nhiệm của các quan Hà đê trong việc phòng vệ đê điều: Đinh Mùi cửu nguyệt đại thủy, Đam Đam đê quyết
                      Hồ Tử hà phiền lâm Hán hoàng,
                      Vũ công trách nhậm yếu hiền lương.
                      Tảo tri nhân sự biền chi lực,
                      Tu bị thiên tai thủy hạn thường.
                      Thịnh hạ hà tằng bất lâm lạo,
                      Sơ xuân do vị cẩn đề phường (phòng).
                      Chí kim thánh chúa ưu dân thiết,
                      Toại hữu hy thần sách cứu hoang.
Dịch nghĩa:
            Sao phải làm phiền vua Hán đến tận sông Hồ Tử(52 ),
            Trách nhiệm đắp đê trị thủy cốt ở hiền tài.
            Nếu sớm biết việc người phải dùng sức đến chai tay,
            Thì phải phòng bị nạn hạn úng thiên tai thường xảy ra.
            Giữa mùa hè oi bức đâu từng không mưa dầm nước lũ,
            Thế sao còn chưa đề phòng cẩn thận từ đầu mùa xuân?
            Nay thánh hoàng hết sức lo lắng cho dân,
            Nên có bề tôi chạy việc cứu đói (53).
Sử cũng ghi một sự kiện tương tự. Vào năm 1315, mùa hạ nước sông lên to, vua Trần Minh Tông thân đi quan sát việc đắp đê, quan Ngự sử đài nói: “Bệ hạ nên chăm sửa sang đức chính, đắp đê là việc nhỏ, đi xem làm gì?” Bấy giờ Hành khiển Trần Khắc Chung cũng đi theo nhà vua, đáp lại rằng: “Phàm dân bị tai họa lụt lội, người làm vua phải khẩn cấp cứu giúp, sửa đức chính không gì lớn hơn việc đó, cần gì phải ngồi lặng thinh tư lự rồi bảo là “sửa đức chính?”(54)
Nỗi lòng của những người đứng đầu đất nước, đứng đầu mỗi vùng cũng như kẻ sĩ luôn luôn cùng với người nông dân lo lắng khi mưa nắng trái thì. Nguyễn Văn Lý (1795 – 1868), khi làm quan ở Huế đã có một bài thơ rất da diết về nạn lụt lội:
Lạo khứ hoàn lai vị khẳng hưu,
Vô gian ná quản thế nhân sầu.
Sơn vũ tà phi mãnh tự chú,
Hải phong đảo quyển thâm bất lưu.
Xá bắc xá nam đô thị thuỷ,
Ngã tiền ngã hậu kỷ hồi thu.
Thao thao nhược vấn quy hà xứ,
Nhất phiến nhàn vân phóng hựu thu.
                                      Phục lạo
Dịch là:
Lụt rút, lại về không chịu ngừng,
Chẳng chút nào để ý đến nỗi buồn của người đời.
Mưa núi bay xiên mạnh như trút nước,
Gió biển lật sóng khiến nước sâu không chảy nổi.
Nhà phía bắc, phía nam đều là nước,
Trước ta sau ta đã bao mùa thu rồi?
Xin hỏi nước mênh mông kia dồn về đâu?
Chỉ thấy một đám mây nhàn tan rồi tụ(55).
Ngô Thì Hoàng (1770 – 1814), một tác gia quan trọng và đặc sắc của Ngô gia văn phái đã chân thực chia sẻ với sự đau xót của người làm ruộng khi nạn lụt làm mất trắng cả một cánh đồng lúa sắp được gặt:
                             Ta là kẻ sĩ,
                             Ở trong tứ dân.
                             Không cày mà ăn,
                             Nhờ nhà nông cả.
                             Nhà nông không lúa,
                             Ta lấy gì ăn?
                             Ví dù ăn được rễ cây,
                             Ta tạm đỡ đói, còn người thì sao?
                             Người nông dân biết bao cơ cực,
                             Suốt tháng ngày nào được nghỉ ngơi.
                             Lại còn bao nỗi thiên tai,
                             Lũ thời ngập lụt, hạn thời rầy sâu.
                             Làm ra được bao nhiêu thóc lúa,
                             Cho dân mình no đủ quanh năm.
                             Cũng là nước mỗi năm mỗi khác,
                             Nước thế này, cạn máu dân lành.
                             Người ta đang lênh đênh nhớn nhác,
                             Ta lòng nào vui gió mát trăng thanh!
                             Không phải thời, sao đành du ngoạn ...
                                                (Nông thoại phú, Thạch Can dịch)(56)
Vào những lúc triều đại rối ren, thế cuộc nghiêng ngả, trời đất lại trái khoáy thì nỗi buồn ở những người mà chúng ta vẫn thường nghĩ là thuộc giai cấp phong kiến bóc lột, đối lập với nông dân, lại càng sâu sắc. Trần Nguyên Đán, ông ngoại vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, đã có một bài thơ như thế, nhân nạn lụt năm Nhâm Dần (1362):
                   Niên lai hạ hạn hựu thu lâm,
                   Hòa cảo, miêu thương hựu chuyển thâm.
                   Tam vạn quyển thư vô dụng xứ,
                   Bạch đầu không phụ ái dân tâm.
 Dịch là:      Mấy năm nay mùa hè hạn, mùa thu lại mưa dầm,
                   Lúa khô mạ thối, tai hại càng nhiều.
                   Ba vạn quyển sách mà không dùng được vào việc gì,
                   Cho đến bạc đầu, luống phụ tấm lòng yêu thương dân(57).
Trần Nguyên Đán chắc chắn không vì một vài năm mất mùa mà ảnh hưởng đến cuộc sống của ông, gia đình ông, nhưng sự bất lực của một trí thức trước thời cuộc đã khiến nỗi đau của ông thâm trầm đến thế. Sau này, đến thế kỷ XIX, Nguyễn Khuyến cũng da diết như vậy:
                   Sách vở ích gì cho buổi ấy,
                   Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già(58).
Có thể nói “sách vở ích gì cho buổi ấy” là bi kịch lớn đối với tầng lớp trí thức mọi thời đại. Còn niềm vui của họ lại chính là cùng với người nông dân vui một năm hòa cốc phong đăng. Ngô Thì Sĩ đã có niềm vui ấy khi ông đã đưa được những người dân phiêu tán Lạng Sơn về lại bản làng và có cuộc sống ổn định “ngoài đồng có sắc lúa vàng, trong nhà bồ cót thóc đầy nứt”; còn Lê Quý Đôn thì ghi lại nỗi mừng òa vỡ khi được một trận mưa đúng lúc Hỷ vũ...
Vào những năm giữa thế kỷ XVIII, Bắc Hà do cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn, do chính sự có nhiều bất cập, giới quan chức sa sút về năng lực và đạo đức, tham nhũng, ăn chơi xa xỉ, cộng với thiên tai nặng nề, nông dân tứ trấn Bắc hà suy kiệt, đói rét xiêu dạt,.... Tình trạng ấy đem đến nỗi lo sâu sắc khiến cho triều đình bối rối, chúa Trịnh nhiều lần ra chỉ dụ hỏi ý kiến phủ liêu. Những tập điều trần, góp ý rất sâu sắc, có trách nhiệm và có thể cho thấy một điều quan trọng nhất trong kế sách đối với nghề nông là tư tưởng đưa nông dân về với đồng ruộng và tạo điều kiện cho người nông dân có ruộng. Thiết nghĩ đây là những đề xuất không chỉ có giá trị đối với đương thời. Xin nêu vài thí dụ từ các đề xuất của kẻ sĩ dòng Ngô Thì ở Tả Thanh Oai.     
Xuất phát từ những sự kiện rất thời sự của những thập niên sáu, bảy mươi thế kỷ XVIII ở bốn trấn đồng bằng Bắc Hà, Lạng Sơn, Thanh Nghệ, do người nông dân bị hào cường chiếm đoạt ruộng đất phải bỏ làng phiêu bạt đến nỗi chết đói nằm "gối nhau" trên đường, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm đều có những lời điều trần nói về tình trạng “bốn trấn” và cách khắc phục. Trong 8/24 bản điều trần gửi lên phủ chúa và nhiều bài ký, Ngô Thì Sĩ đã đặc biệt chú trọng trình bày tập trung về vấn đề nông dân:
“Thần phụng xét các xã, thôn, trang, sách, phường, ao trong bốn trấn cộng có 9.668 đơn vị. Nay số phiêu tán hoàn toàn mất hết gốc tích là 182 xã; phiêu tán vẫn còn dấu vết đáng được chiêu tập là 443 xã; mất tích rồi lại hợp với dân các vùng trù mật là 373 xã; những nơi chưa chịu nổi thuế là 78 xã. Tổng cộng số dân điêu tàn, không chịu nổi thuế tô, dung, điệu không dưới 1070 xã, tương đương với một trấn lớn!” (59).
Điều đáng lo ngại là thảm trạng ấy không phải chỉ xảy ra trong một vài tháng mà dường như người nông dân Bắc Hà đang trượt trên đà phá sản:
“Gần đây việc dân, việc ruộng nhiều chỗ sơ hở... Những nhà hào mục và dân giàu có lợi dụng ruộng bỏ hoang của dân điêu tàn phá liền bờ đi làm của riêng... Ruộng công thì vì lâu năm không còn vết tích gì cũng bị họ truyền tay bán đi. Có khi họ còn ẩn lậu cả công điền công thổ, không nộp thuế... Chỉ riêng những người dân nghèo, những hộ thấp kém là phải chịu thuế má lao dịch, ngày một hao mòn. Kẻ nghèo thì thành khốn cùng, kẻ khốn cùng thì phiêu bạt, vất vả gian nan ngày càng tệ”(60).      
Ngô Thì Nhậm sau một năm làm Đốc đồng xứ Hải Dương cũng có tâm trạng lo lắng như vậy:
“Ruộng đất ở vùng Đông nam thuộc vào loại tốt nhất trong nước, sông ngòi vây bọc như dải mũ, đai lưng, đồng lầy mầu mỡ, dù hạn hán lụt lội cũng không phải lo ngại... Nay đồng ruộng hoang vu, bỏ mặc không nhìn đến mà những nhân viên cai quản lại căn cứ vào sổ cũ để thu thuế, người làm ruộng phải mượn nghề mọn khác để lấy thóc nộp tô... Tích lũy dần lâu đến chỗ không cung ứng nổi nữa. Do đó dân chúng nghèo kiết, tan tác... Hiện tình ngày nay ở bản hạt, số mới phiêu bạt có tới 53 xã, số người được miễn trừ không chính đáng đến 30 xã. Phụng xét trước năm Canh Thìn, hạng chính đinh phải chịu phu dịch có tới hơn 13.500 suất, mà nay đăng tên vào sổ đinh chỉ còn hơn 9800 suất. Tình trạng hao mòn qua năm này tháng khác...” (61).
Phân tích nguyên nhân dẫn đến cảnh cùng khốn ấy, các ông đưa ra ba điều. Một là do hạn hán, lụt lội liên tiếp, hoàng trùng phá hoại, làm cho mùa màng thất bát, phần khác mà là phần chủ yếu là nguyên nhân xã hội mà cơ bản là do giới cầm quyền. Nhiều năm binh lửa liên miên, đặc biệt là cuộc đánh Nam Hà năm 1774 khiến cho sức người sức của kiệt quệ, bọn nha lại lính tráng, hào cường địa phương lại nhân đó sách nhiễu, tranh đoạt, khiến cho đời sống người dân lương thiện rất khó được phục hồi, còn bọn "ngoan ngạnh" thì cùng quẫn đến nỗi trở thành trộm cướp:
“Gần đây có việc động binh ở phía Nam, cần phải chi phí, thành thử khiến cho nhà chung, nhà riêng đều bị thiếu thốn, gặp phải năm mất mùa, giá thóc cao vọt. Người nghèo túng coi hạt gạo như hạt ngọc, đói rét thiết thân, cùng kéo nhau xoay ra trộm cướp. Họ không phải không biết giết người, trộm cướp, hãm hiếp đàn bà con gái là tội nặng đáng sợ, chỉ vì miễn sao được sống nên phải làm liều, coi miếng ăn to như trời, không còn nghĩ đến cảm cách với trời nữa... Nay thiên hạ tích lũy ngày một ít, dân chúng đi làm trộm cướp ngày càng nhiều, nếu tới mùa xuân mới có mưa thì vụ chiêm này thu hoạch bất quá chỉ bốn năm phần mười. Kẻ ở nhà còn không đủ ăn, lấy đâu cung cấp cho người đi xa. Thế là lũ lớn lũ nhỏ quần tụ, thế tất phải sai quân triều đình đi đánh dẹp, như thế tránh sao khỏi chốn chốn sinh nghi, lòng người biến động!” (62)
Vì hiểu rất rõ tình cảnh người nông dân đương thời nên các tác gia trong văn phái họ Ngô đã có một cách nhìn nhận khác về nghề nông và vấn đề nông dân. Ngô Thì Sĩ trình bày thẳng thắn những nguyên nhân cụ thể đẩy người dân lương thiện vào con đường trộm cướp:  
“Mấy năm gần đây hạn lụt kế nhau, nông tang trái vụ; kẻ hết sức cày cấy thì khổ về mất mùa, người buôn bán thì khổ về cảnh hoang tàn, hàng hóa ế ẩm, dân vùng bể càng khổ hơn. Lại thêm quan lại tham nhũng, sai dịch phiền hà, người nghèo khó trong làng không còn niềm vui cuộc sống. Cho nên có người khốn khổ vì không có chỗ nương tựa phải tìm đến cách sống tạm bợ qua ngày, kẻ có lỗi lầm thì không có đường hối cải nên cố tử, khó mà dẹp được. Kỳ thực bản chất vốn không phải muốn chia đất chia dân, cũng vị tất mọi người đều thích đánh nhau, thích quấy phá mà cam làm điều ác”(63).
Ngô Thì Sĩ và Ngô Thì Nhậm đều chủ trương không lạm dụng sự đánh dẹp và các hình phạt hà khắc để dẹp "giặc cỏ", dẹp phỉ. Cách tốt nhất theo các ông là phải làm cho người nông dân có ruộng để cày cấy, phải đưa người nông dân về với ruộng đất. Các ông nêu lên nhiều kế sách. Hoặc là chiêu tập dân phiêu tán trở về, các quan địa phương làm gương trước trong việc khai khẩn đất hoang, hoặc cho phép các nhà giàu lĩnh ruộng, tự bỏ vốn mua trâu bò, công cụ, thuê người cày cấy, hoặc giúp vốn cho những ai muốn làm ruộng mà chưa đủ sức, thậm chí cho phép họ mộ dân khai hoang, nếu thu hoạch khá có thể "nộp thóc để được phong tước". Triều đình nên đặt thành "điều lệ" và ban bố thành "sắc lệnh", nghĩa là phải bảo đảm giá trị pháp lý cho những điều lệ. Ngô Thì Nhậm cho rằng đó là phương cách tốt để "làm cho dân no đủ và diệt trừ trộm cướp"(64 ). 
Những người nông dân đối với các ông là bạn bè thân quen mà các ông có một thái độ trọng thị. Họ là người đánh cá trên sông rất "tự do", có cuộc sống thanh cao đầm ấm đáng ngưỡng mộ, là những ông già thôn dã có thể cùng bàn chuyện nắng mưa, mùa màng tốt xấu (Ngô Thì Ức - Tiêu dao ngâm, Nhà thuyền chài), có thể bàn phiếm, tranh luận về ý nghĩa nhân sinh, địa vị xã hội... của nghề nông (Ngô Thì Sĩ - Trả lời nhà nông, Ngô Thì Hoàng - Bài phú câu chuyện nhà nông). Với quan niệm ấy, các nhà văn của Ngô gia đã gắng sức tìm tòi và dâng lên triều đình những biện pháp khả thi để phục hồi nghề nông, nâng đỡ người làm ruộng khiến cho cuộc sống của họ được khấm khá hơn. Phương pháp “khiến dân no đủ là tiêu diệt trộm cướp", quả là một kế sách hay đề phục hồi cuộc sống yên bình cho dân, song không chắc chúa Trịnh có thể thực hiện được. Tuy vậy trong thực tiễn, nhiều vị quan chức tâm huyết đã tự mình tìm cách thực hiện ý tưởng của mình. Ngô Thì Sĩ đã làm như thế khi ông làm Đốc trấn (quan đầu tỉnh) Lạng Sơn. Ngoài những công việc một ông quan cao nhất trấn (thực hiện nhiệm vụ đối với cấp trên, lo đưa đón sứ thần, tuyển mộ binh lính, xử án, giữ yên mảnh đất biên cương, xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng), đối với nông dân, Ngô Thì Sĩ còn lo tìm cách đưa họ về lại làng bản bám đất đai để sống. Những chính sách chiêu tập dân về khai hoang, trả lại ruộng bị lấn chiếm, khuyến khích bằng thuế khóa – đất vỡ hoang 3 năm mới phải nộp thuế, - đích thân chỉ đạo quân lính thuộc doanh trấn khai hoang, trồng trọt ... đã đem lại một bộ mặt mới cho trấn Lạng Sơn cuối thập niên 80 của thế kỷ XVIII. Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm đều đã có những đề xuất lập đồn điền. Đề xuất này đến đầu thế kỷ XIX Nguyễn Công Trứ đã thực hiện rất thành công. Hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải chính là đóng góp hết sức to lớn cho nền nông nghiệp của nước nhà và là công ơn lớn đối với những người dân cùng khổ đương thời. Lê Quý Đôn còn chú tâm đến cả các giống lúa, cách trồng trọt, các thổ nghi để có chính sách khuyến nông. Thoại Ngọc hầu ở Nam Kỳ lại có ơn lớn với dân bằng hệ thống kênh rạch để lại, đến nay vẫn còn là một mẫu mực về quy hoạch thủy lợi ...
Có vẻ như đối với một đất nước có ưu thế về đất đai sản xuất nông nghiệp thì trong kế hoạch phát triển kinh tế, việc phát huy thế mạnh vốn có của mình, sự chắt chiu từng tấc đất để sản sinh những sản phẩm nuôi sống con người, và chỉ cải tiến trên cơ sở giữ gìn truyền thống canh tác của dân tộc vẫn là thích hợp nhất và hiệu quả nhất, kể cả việc đi vào hiện đại. Cho nên hiện nay nhiều chuyên gia kinh tế thế giới đã chú ý đến lý thuyết “Tổng hạnh phúc quốc gia còn quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội”. Đây là chủ trương và cũng là lời cam kết của nhà vua nước Bhutan, một đất nước ở sâu trong lục địa Nam Á, dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn, giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Theo Giáo sư Chu Hảo thì “Tổng hạnh phúc quốc gia” “không phải chỉ, hoặc trước hết là, được bảo đảm bởi sự sung túc, tiện nghi trong đời sống vật chất. Điều quan trọng hơn là sự An lạc trong cuộc sống tinh thần. Không phải Bhutan thiếu sự lựa chọn chiến lược phát triển, ngược lại, như nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế thế giới: “Bhutan có thể trở thành bất kỳ một quốc gia nào, song không một nước nào có thể trở lại giống như Bhutan(65)
“An lạc trong đời sống tinh thần” là hạnh phúc tối thượng cho bất cứ một cá nhân nào và lớn hơn là với bất cứ một dân tộc nào. Dân tộc ta, từ ngày đầu lập nước và suốt hành trình dựng nước và giữ nước chưa bao giờ thôi mơ ước điều đó. Cũng không phải tiền nhân chúng ta, những bậc trí giả trong mọi thời đại, chưa từng dâng hiến những kế sách nhằm đưa đất nước từng bước đến cuộc sống an lạc thái bình đó. Nhưng quả thật đạt được một xã hội lý tưởng như vậy, không thể là công sức và trí tuệ của một nhóm người, càng không phải là của một người. Nhưng trước hết vẫn là trách nhiệm và tâm trí của những nhà cầm quyền. Hy vọng rằng những “kiến nghị, điều trần”, đề xuất của các nhà tham mưu chiến lược, của dân, không bị nghe một câu trả lời lười nhác: “Ý kiến hay nhưng chưa thể thực hiện” rồi cất vào ngăn tráp và bỏ quên, để chịu sự phê phán của mối mọt và nóng lạnh của tiết trời, như những bản điều trần của Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm và nhiều nho sĩ trí thức thế kỷ XVIII.   

Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, có thể nghĩ rằng nếu khi nào những người cầm quyền biết lắng nghe, chọn lọc và sử dụng những hiến kế minh triết do các hiền thần đề xuất thì đất nước thịnh trị, và khi nào những gợi mở hợp lý, giàu tính nhân văn ấy bị bỏ qua thì triều đại lại rơi vào tình trạng bế tắc, sa sút, có nguy cơ bị thay thế, và thế lực bên ngoài lại nhòm vào đó để toan tính, khiến vận mệnh đất nước bị đe dọa. Ví như sự bạo ngược của Lê Ngọa Triều dưới thời Tiền Lê, sự bạc nhược không thể tự chủ của Lý Huệ Tông, Trần Thuận Tông, sự tàn bạo của Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, sự bất tài nhỏ nhen của Chiêu Thống ... đều dẫn đến tình hình chính sự lộn xộn và sự thay thế xảy ra như một kết quả tất yếu, thậm chí còn mở đường cho thế lực xâm lược nước ngoài. Đó quả là những bài học thiết thân về sự thành bại trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước.
PGS Trần Thị Băng Thanh, Ô Đồng Lầm, 20 - 3 - 2011


Chú thích:

(34) ĐVSKTT, Bản Chính Hòa (đã dẫn), Tập I, tr. 248.
(35) Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961, Tập II, tr. 203
(36) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Nxb. Khoa học xã hội, 1983, tr. 266
(37) Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, Tập II, tr.203
(38) Lục phủ: theo Kinh Thư gồm sáu thứ: nước, lửa, cây, đất, lúa, kim loại
(39) Bát chính: theo thiên Hông phạm, Kinh Thư gồm: lương ăn (thực), của cải (hóa), các việc của Tư đồ (dạy dỗ), Tư không (đất đai), Tư khấu (hình phạt), Tư lễ (tự), quân đội (sư), tiếp khách (tân).
(40) Ngô gia văn phái, Sđd, Tập II, tr. 376, 377.
(41)  Bảo kính cảnh giới, bài 19; Nguyễn Trãi toàn tập tân biên,  Trung tâm nghiên cứu Quốc học – Nxb. Văn học, 2000, tr. 977.
(42) Thanh Hoa Hiến niết công đường ký (Bài ký công đường dinh Hiến sát Thanh Hoa), Ngô gia văn phái, sách và tập đã dẫn, tr. 399.
(43) ĐVSKTT, Sđd, Tập I, tr. 277
(44) ĐVSKTT, Sđd, Tập I, tr. 349
(45) Đại Việt sử lược, SĐd, tr. 249-250
(46) ĐVSKTT, Nxb KHXH, Tập I, tr. 326.
(47) ĐVSKTT, Bản Chính Hòa, Tập I, tr. 333
(48 ) ĐVSKTT, Sđd, cùng trang trên
(49) ĐVSKTT, Bản Chính Hòa, Tập II, tr. 13
(50) Tìm hiểu xã hội Việt nam thời Lý Trần, Thử phân loại và xác định hình thái sở hữu ruộng đất thế kỷ X – XIV, Tr.40
( 51) ĐVSKTT, Sđd, Tập II, tr. 19
( 52) Hồ Tử: Tên một con sông sông thuộc tỉnh Trức Lệ, Tung Quốc. Đời Hán, đê Hồ Tử bị vỡ, Hán Vũ Đế thân hành đến thị sát và có làm bài ca Hồ Tử. Ở đây Bùi Tông Hoan ý nói việc giữ gìn đê là nhiệm vụ của các quan coi đê, không phải phiền đến nhà vua.
(53) Thơ văn Lý – Trần, Sđd, Tập II, Quyển thượng, tr. 605
(54) ĐVSKTT, Bản Chính Hòa, Tập II, tr. 100
(55) Bài trong Chí Hiên thi thảo, in trong Chí Đình Nguyễn Văn Lý – Tuyển tập thơ văn. Nxb. Khoa học xã hội, 2011.
(56) Ngô gia văn phái, Sđd, Tập II, tr.282, 283.
(57) Thơ văn Lý – Trần, Tập III, tr. 208, 209.
(58) Ngày xuân dặn các con, Nguyễn Khuyến – Tác phẩm, Nxb. Khoa học xã hội, 1984; tr.128.
( 59) Ngô Thì Sĩ, Điều trần về việc chiêu dụ lưu dân khẩn hoang ruộng, Tuyển tập Ngô gia văn phái. Nxb. Hà Nội, 2010, Tập I, tr.416.
(60 ) Bđd, tr. 416.
(61) Khải điều trần về tình tệ xứ Hải Dương, Ngô Thì Nhậm toàn tập; Nxb. Khoa học xã hội, 2003; Tập I, tr. 566.
( 62) Lời trình bày của Đài quan bản thuộc, Tuyển tập Ngô gia văn phái, Sđd, Tập I , tr.873, 874.
( 63) Kế dẹp giặc bể, Ngô gia văn phái, Bản chữ hán, kí hiệu Thư viện Viện Hán Nôm A. 117a.
( 64) Lời trình bày của Đài quan bản thuộc, Bđd, 587, nguyên văn chữ Hán: .
(65)  Chu Hảo: Tổng hạnh phúc quốc gia, bài viết nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày mất của Tolstoi.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét