TMT: Nhân đọc
bài “Trung quốc đã từng giết trưởng đoàn ngoại giao nước Đại Việt” trên trang Blog
Chú Tễu nói về cái chết của Thám hoa Giang Văn Minh, người Đường Lâm khi đi sứ
Trung Quốc năm Kỷ Mão (1639) mà nghĩ về quan hệ bang giao giữa các nước trong
thiên hạ. Nước to chẳng cậy mình to, Sẽ làm nước nhỏ phải ưa thích mình.
Cuối tháng 9 vừa qua, Liên hợp quốc (LHQ) kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (1945-
2015). Với 193 quốc gia thành viên, LHQ là tổ chức quốc tế đa phương đầu tiên,
lớn nhất và có ảnh hưởng sâu rộng tới toàn thế giới. Đây cũng là sự kiện ngoại
giao quốc tế lớn và quan trọng bậc nhất trong thập kỷ qua, là dịp mà lãnh đạo các
quốc gia lớn, nhỏ gặp gỡ và phát biểu bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình về những
vấn đề nóng bỏng đang diễn ra trên trái đất.
Ngoại giao
hay bang giao giữa các nước là một trong những hoạt động hết sức quan trọng gắn
liền với lịch sử nhân loại. Trong nghệ thuật ngoại giao, ăn miếng trả miếng (bằng sức mạnh) là hạ
sách; thoả hiệp (quyền lợi) là trung sách; còn tâm phục khẩu phục (bằng tâm,
bằng trí) mới là thượng sách. Theo đó, các bài phát biểu của nguyên thủ các nước
lớn hay nước nhỏ tại Liên hợp quốc vừa rồi còn thua xa trí tuệ của một “ông lão”
sống cách nay cỡ 3000 năm, đó là Lão Tử. Thật vậy, Chương 61, Khiêm đức (Đạo
Đức kinh), Lão tử có viết:
“Đại quốc giả
hạ lưu, thiên hạ chi giao, thiên hạ chi tẫn. Tẫn thường dĩ tĩnh thắng mẫu, dĩ
tĩnh vi hạ. Cố đại quốc dĩ hạ tiểu quốc, tắc thủ tiểu quốc; tiểu quốc dĩ hạ đại
quốc, tắc thủ đại quốc. Cố hoặc hạ dĩ thủ, hoặc hạ nhi thủ. Đại quốc bất quá dục
kiêm súc nhân. Tiểu quốc bất quá dục nhập sự nhân. Phù lưỡng giả các đắc kỳ sở
dục. Đại giả nghi vi hạ”. (Hán văn: 大 國 者 下 流, 天 下 之 交, 天 下 之 牝. 牝 常 以 靜 勝 牡, 以 靜 為 下. 故 大 國 以 下 小 國,則 取 小 國; 小 國 以 下 大 國, 則 取 大 國. 故 或 下 以 取, 或下 而 取. 大 國 不 過 欲 兼 畜 人.小 國 不 過 欲 入 事 人. 夫 兩 者 各 得 其 所 欲. 大 者 宜 為 下).
Ngoài
dịch nghĩa, bình giảng, Cố Bác sĩ Nhân tử Nguyễn Văn Thọ (1921-2014, Việt kiều
tại Mỹ), dịch thành “thơ” như sau:
“Nếu nước lớn
hạ mình từ thượng,
Khắp mọi
nơi sẽ hướng chiều về,
Đó đây qui
tụ thỏa thuê,
Y như một
mái làm mê cả bầy.
Con mái kia
thơ ngây thuần thục,
Tưởng kém
hèn mà đực vẫn thua.
Nước to chẳng
cậy mình to,
Sẽ làm nước
nhỏ phải ưa thích mình.
Nên nước nhỏ
chẳng kênh chẳng kiệu,
Nước to kia
sẽ liệu chở che.
Dù chinh,
dù phục hai bề,
Biết đường
khiêm tốn đề huề mới ngoan.
Nước lớn
thích lo toan chỉ vẽ,
Nước nhỏ
mong dựa thế nương uy,
Hai bên đều
được thỏa thuê,
Đã là kẻ cả
chớ chê hạ mình”.
Nước
lớn mà làm chỗ thấp, sẽ là nơi thiên hạ giao hội, sẽ là “giống cái” của thiên hạ.
Giống cái thường lấy sự tĩnh mà thắng giống đực, lấy tĩnh làm chỗ thấp. Cho nên
nếu nước lớn mà “hạ mình” trước nước nhỏ, thì sẽ thu phục được nước nhỏ; nếu nước
nhỏ mà “hạ mình” trước nước lớn thời sẽ được lòng nước lớn. Cho nên hoặc hạ
mình để mà “chinh phục”, hoặc hạ mình để “được lòng”. Nước lớn chẳng qua là để
dưỡng nuôi người, nước nhỏ chẳng qua là để phục vụ người, cả hai đều được như ý
thích. Kẻ lớn, kẻ nhỏ đều nên hạ mình, khiêm cung, chớ cho đó là nhục, là thiệt!.
Nơi
chương này Lão tử cho chúng ta một nguyên tắc hướng dẫn cuộc bang giao quốc tế.
Trong thiên hạ có nước lớn, nước nhỏ. Nhưng nước lớn không phải là để thôn tính
nước nhỏ mà là để giúp đỡ nước nhỏ. Nước nhỏ không phải là để, kèn cựa, ganh tị
với nước lớn, mà là để thuận phục, bang giao với nước lớn.
Các
nước đối xử với nhau nên lấy sự khiêm cung, chứ đừng dùng võ lực. Nước lớn biết
tỏ ra khiêm tốn không khinh khi nước nhỏ, thì các nước nhỏ sẽ vui lòng hướng
chiều về. Nếu nước nhỏ tỏ ra khiêm tốn không đả kích các nước lớn thì các nước
nhớn sẽ vui lòng bảo trợ. Như vậy cả hai bên đều lợi và như vậy thế giới mới
mong cùng hưởng thái bình, thịnh trị. Thế là dùng “Nhu Đạo”, dùng sự “Khiêm
cung” để mà xây dựng hòa bình cho thiên hạ vậy.
Cũng
cần nói thêm cái tài “tiên tri” của Lão Tử, nơi chương 47, Giám viễn (Đạo Đức
Kinh), ông viết: “Bất xuất hộ, tri thiên
hạ. Bất khuy dũ kiến thiên đạo”. Chẳng ra khỏi nhà mà biết thiên hạ.
Chẳng dòm qua cửa sổ, mà biết đạo Trời. Đi càng xa, biết càng ít. Cho nên thánh
nhân chẳng đi mà biết, chẳng thấy mà hay, chẳng làm (vô vi) mà nên”. Thời đại
Internet và truyền thông số ngày nay, rõ ràng đâu cần cứ phải ra phố, ra ngõ mới
biết được chuyện thiên hạ. Tuy nhiên, “kiến thiên đạo” thì lại là chuyện khác, phải
có duyên căn mới biết được Đạo Trời.
Thế
nên, cho dù sống cách chúng ta hàng nghìn năm, việc Lão Tử dùng chưa tới 100 chữ
để “dạy” cho hàng trăm nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc về
ngoại giao cũng không phải là chuyện vô lý, hoang đường. Mong rằng ông Tập Cận
Bình cũng như các ông Barack Obama, ông
V. Putin hãy suy nghĩ về những điều mà Lão tử đã dạy về những nguyên tắc bang
giao giữa nước lớn, nước nhỏ để làm những điều tốt đẹp hơn cho nhân loại. Đã là
“kẻ cả”, hãy chớ chê hạ mình, đừng ngại, các ông nhé./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét