Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Ý Minh nghĩa Triết trong hai chữ Việt Nam hôm nay

 

Sử Việt khẳng định rằng tổ tiên của người Việt từng một thời chia thành nhiều nhóm: Âu Việt, Mân Việt, Điền Việt, Kiềm Việt, Lạc Việt v ...v đã cùng nhau cư trú toàn vùng nam sông Dương Tử của Trung Hoa ngày nay. Họ được gọi chung là Bách Việt, đã từng tạo nên nền văn minh lúa nước, để lại nhiều dấu vết văn hóa và nhiều trang sử bi hùng một thời. Như hai vị thần trong thần thoại của Việt và Hoa thì Thần Nông và Nữ Oa là tên gọi theo ngữ pháp Việt. Nếu là ngữ pháp Tàu thì phải đọc là Nông Thần hay Oa Nữ, Các tên của những vị vua huyền thoại của Trung Hoa như Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Lai, Đế Cốc v...v cũng được đọc xuôi theo ngữ pháp Việt. Nhiều học giả ngờ rằng Kinh thi nhiều phần vốn là của người Việt sáng tác. Vì dẫu bị Khổng Tử san định, hiệu đính vẫn còn hàng chục trường hợp theo ngữ pháp Việt v..v. Theo Trần Đại Sĩ, rất nhiều miếu thờ Hai Bà Trưng vẫn còn rải rác từ nam Hồ Động Đình trở xuống.


Triết gia Lương Kim Định cho rằng chữ Việt, danh xưng của tộc người bấy giờ, đã được viết với chữ Việt bộ “mễ” và một phần rất giống với hình lưỡi rìu có cán của người Việt cổ mà khảo cổ học từng ghi nhận. 粵 (米, hình rìu ). Ngày nay tên tộc người này cũng viết với chữ “Việt” với bộ “mễ” như thế. Lương Kim Định phỏng đoán rằng Việt viết với bộ “mễ” là để chỉ cái cư dân của lúa nước. Còn hình chiếc rìu là cái dấu ấn của tài hoa sáng tạo Việt: thuật đúc cái lưỡi búa, rìu đồng.

Nhưng đến đầu thiên niên kỷ thứ hai, khi tộc Việt với các nhóm Kinh, Mường, Tày, Thái ... cương quyết đứng chân, trụ vững ở vùng Bắc Việt (ngày nay), họ đã chống cự lại cuộc đô hộ, đồng hóa hàng ngàn năm của những đế chế Trung Hoa. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã xảy ra, nhiều cuộc thử nghiệm dựng nên những nhà nước độc lập của người Việt như Triệu Vũ Đế (Triệu Đà). Có một thời một số nhà sử học nước ta đã đơn giản và máy móc đẩy nhà Triệu về bên Tàu (!). Kỷ Triệu Đà mà các sử gia xưa để vào sử Việt là rất có lý. Khảo cổ ngày nay đang cho ta nhiều chứng lý về vấn đề này. Như cuộc giành chính quyền với những tư tưởng canh tân nền hành chính Việt với phương châm khoan, giản, an, lạc, của mấy anh em họ Khúc Như lập nhà nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế v...v.

Để đến đầu thiên niên kỷ thứ II, Dân tộc Việt đã đủ văn hiến để khắc phục tình trạng cát cứ, sứ quân và lập nên nền Độc lập Đại Cồ Việt với các triều Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, .. Bấy giờ tổ tiên ta đã chọn chữ Việt 越 với bộ “tẩu” 走 để chỉ cái danh xưng tộc người của mình và ghép với chữ Nam南 để chỉ cái phương cư trú mà cũng để phân biệt với bắc quốc. Vào giữa thiên niên kỷ thứ hai chữ Nam đã chuyển vị trí để thành Việt Nam hiện nay.

Chữ Việt với bộ “tẩu” 走 có nghĩa là vượt qua, vượt lên, trong ý nghĩa siêu việt. Việt có nghĩa là phải “siêu việt” lên, vượt qua cái thân phận phân tán, nô lệ, vượt qua cái nguy cơ liên hồi của âm mưu đồng hóa của các đế chế Tàu. Việt còn có cái nghĩa là phải vượt lên chính mình khắc phục sự phân ly, cát cứ sứ quân để thành mọt quốc gia, một nhà nước độc lập, thống nhất. Cái tâm thức phải “Cồ”, phải lớn là như vậy. Một nền văn hiến Đại Cồ Việt rồi Đại Việt thì phải “Đại hành”, không hành sự nhỏ nhen, phải lớn lên. Cái đế hiệu Đại Hành của vua Lê Hoàn đáng lẽ theo quy tắc bên Tàu là chỉ dùng trong một thời gian ngắn, khi nhà vua vừa mất, chờ khi nhập vào sơn lăng thì đổi đế hiệu khác, chính thức. Nhưng trường hợp vua Lê Đại Hành thì sử gia Lê Văn Hưu cũng phải lấy làm lạ và hỏi “cớ làm sao”, cứ gọi mãi là Lê Đại hành hoàng đế đến nay. Tôi cho rằng đó là do cái vô thức của Dân tộc xui nên. Mở đầu nền Độc lập, mở nền Văn hiến Đại Việt phải thôi thúc “đại hành”, hành xử lớn, không nhỏ nhen, không được bé mọn đi. Vươn lên, lớn lên siêu việt là để tạo dựng một thời kỳ lập nước, mở mang bờ cõi, giữ vững chủ quyền lãnh thổ trước hiểm họa xâm lăng của Bắc quốc (Tàu); xây dựng nền văn hiến “vốn xưng đã lâu”. Trong cả ngàn năm qua hai chữ Việt Nam với hàm ý minh triết là phải siêu vượt vươn lên. Dân tộc Việt (với đa thành phần Việt, vì cả Mường, cả Thái, cà Hmông, cả Chăm, Khmer và cả Tây Nguyên nữa đã được giới khoa học chứng minh rằng họ có nét đồng chủng, họ giống nhau nhiều hơn là giống Tàu phương Bắc, lại có nhiều nét đồng văn, chung nhau những môtip thần thoại, tín ngưỡng, cổ tích, chung nhau cả gốc ngôn ngữ (Tạng – Miến – Môn-Khmer v...v...), đã cùng nhau cố kết thành cộng đồng quốc gia có lãnh thổ xác định – Nam quốc sơn hà – có văn hiến, có tinh thần đoàn kết dân tộc và nghệ thuật quân sự đã đánh thắng tất cả các cuộc xâm lăng tàn bạo của nào Tống, Nguyên, Minh, Thanh – những triều đại hùng hậu của Trung Hoa kế tiếp nhau.

Trong suốt cả ngàn năm của thiên niên kỷ thứ II, Dân Việt luôn luôn phải đối mặt, chống chọi lại cái hội chứng “bóng đè”* của những thiên triều Trung Hoa. Lúc nào thật sự Việt, thì vượt lên cả chính mình, cả số phận, cả thử thách thì có những công tích lớn lao kỳ vĩ kể cả trong quân sự, chính trị hay văn hóa. Thời nào, người nào bị khống chế không thoát khỏi hội chứng “bóng đè” thì quẩn quanh, mô phỏng, sao chép mà dân gian đã tự chỉ trích “theo voi ăn bã mía”! Đến nỗi làm suy yếu dân tộc vào cuối thế kỷ 19 và thế kỷ 20, khiến dân tộc mất chủ quyền độc lập vào tay thực dân Pháp.

Không được thóa mạ lịch sử. Nhưng ngẫm nghĩ từ những bài học lịch sử là rất nên. Mà đó cũng là phong cách làm sử, chép sử của cha ông ta thời trước. Sử chính là để nghiệm xưa răn nay. Bài học hội chứng “bóng đè” là bài học lịch sử lớn nhất quan trọng của ngàn năm qua, kéo dài tới tận ngưỡng cửa của ngàn năm mới. Rõ ràng, lúc nào chúng ta không vượt lên, thoát khỏi hội chứng “bóng đè” hoặc là Trung Hoa hoặc là một tư trào văn hóa ngoại lai nào khác thì quên mất “chỉn bụt là ta”, quay ra không thờ Bụt trong nhà mà đi “thờ Thích Ca ngoài đường”. Sự quẩn quanh, trì trệ diễn ra, cứ lối “gà què ăn quẹn cối xay”, quên mất bài học của Đông A: “Bậc nhân chủ (người cầm quyền) phải lấy lòng, lấy ý thiên hạ (nhân dân) làm ý làm lòng của mình”; chỉ vọng ngoại, nhăm nhăm giáo điều sao chép, không đếm xỉa đến quy luật của lòng người, của phát triển lịch sử và của thời đại. Ở thiên niên kỷ trước có thể “giẫm chân ắc-ê” tại chỗ hàng mấy trăm năm. Vào thời đại mới, chỉ xem cuối thế kỷ trước những dân tộc quanh ta, ai vượt qua cái hội chứng “bóng đè” của những đế chế văn hóa mới đều thăng hoa vượt lên. Hàn quốc là rất rõ, chỉ từ 1960 khi cùng một “ni vô” như Việt, sau bốn thập kỷ họ đã bỏ xa ta mấy chục lần. Họ không có cái minh triết “Việt”, nhưng họ biết vượt qua chính mình, siêu việt vào thời đại mới. Ta cứ khư khư ôm lấy không phải cái “hủ nho” cũ mà một thứ “hủ mới”. Đến nỗi Hồ Chí Minh trước khi mất phải dặn lại: phải coi như cuộc chiến tranh chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi” .

Cái ý nghĩa minh triết của hai chữ Việt Nam cần phải suy ngẫm kỹ mà hành động khi ta đang bước vào thập niên thứ hai của Thiên niên kỷ mới, “millinaire” thứ III. Việt vẫn là siêu việt lên, vẫn là phải vượt qua chính mình, vượt qua những “hư hỏng cũ kỹ” để theo thiên hạ. Những hư hỏng cũ kỹ nay có thể nhận ra đó là sự duy trì một mô hình kinh tế, chính trị xã hội hàm chứa những nhân tố lạc hậu, phản tiến hóa. Chính cái mô hình ấy vừa là tác nhân (có cái công năng như một động lực tiêu cực, cái khả năng “cài số lùi” trên mọi bình diện của xã hội) vừa là môi trường, vừa là phương thức tạo nên những lực cản (mà ai cũng thấy, trừ một lũ đà điểu!) tạo ra sự rối loạn, nhiều rối loạn (trouble) đã phát triển thành khủng hoảng xã hội, không chỉ hiện ra như những dấu hiệu, mà thật sự có nhiều điều đã trở nên bệnh hoạn. Một đất nước, một xã hội chứa nhiều mầm bệnh quả thật là nguy hiểm. Phải trả lời câu hỏi nghiêm túc cái gì, điều gì đã khiến Dân tộc Việt chưa siêu việt được vào hiện đại như nhiều quốc gia dân tộc quanh ta. Nhóm lãnh đạo đát nước, giới trí thức và giới trẻ tinh hoa phải thật sự “cùng nhau, với nhau” dân chủ, trách nhiệm, với ý thức bình đẳng trước vận nước, tranh luận để tìm ra câu trả lời để kiến tạo “những cái mới mẻ, tốt tươi” như cụ Hồ từng mong ước trước khi mất. Sách Luận ngữ xưa có câu “con chim trước khi chết tiếng kêu bi thương, con người trước khi mất nói điều thiện” (Điểu chi tương tử kỳ minh dã ai; nhân chi tương tử kỳ ngôn dã thiện). Lời nói ấy trong Di chúc của cụ Hồ thật là quý giá.

Chữ Nam xưa được dùng chủ yếu để chỉ vị trí không gian của Dân tộc Việt. Lại cũng có ý thường hằng nhắc nhở nhau khẳng định “cái khác”, “sự khác, phải khác” với Bắc phương, Bắc quốc, không để bị thôn tính, phải tự chủ, tự cường.

Chữ Nam trong thời hiện đại đã có thêm một hàm nghĩa là khu vực địa cầu mà đa số dân tộc còn chậm tiến, chưa phát triển, phát triển chậm ..., Người ta dùng trong những thuật ngữ chính trị - kinh tế, ngoại giao như “Đối thoại Bắc – Nam” (Bắc là khu vực các nước phát triển, giàu mạnh), “đối thoại Nam – Nam” v...v. Cho nên Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Sing dù vị trí ở phương Nam họ đã vươn lên nhập vào nhóm Bắc.

Nếu những nước có vị trí và thân phận Nam chỉ trong vòng khoảng 1/2 thế kỷ họ lợi dụng được tình thế hiện đại, hậu hiện đại, toàn cầu hóa ... mà vượt khỏi thân phận “nam”. Còn Việt ta thì sao? Không thể nào khác. Từ đầu thế kỷ XX, Đông Kinh nghĩa thục cảm nhận được vấn đề này, trong Văn minh tân học sách đã khẳng định “Chỉ có thể nhanh lên mà thôi!”. Thế thì chúng ta hôm nay lầm lỗi biết bao khi chỉ đổi mới cầm chừng như kiểu cuộc chia tay của vợ chồng người chinh phụ: “Bước đi một bước giây giây lại dừng”.!

Cái mới mẻ tốt tươi mà cụ Hồ dự báo là gì vậy?

Thưa đã rõ:

- Một nền kinh tế thị trường thật sự của người Dân, chứ không phải là của một nhóm áp - phe.

- Một xã hội dân sự mà quyền sở hữu, quyền kinh tế, quyền chính trị thật sự là của Dân của Nước chứ không phải chỉ là của những “nhóm lợi ích”.

- Một nhà nươc pháp quyền thật sự của dân, do Dân, vì Dân, chứ không thể chỉ là pháp quyền của bộ máy nhà nước (nên phân biệt rõ khái niệm nhà nước là cả quốc gia dân tộc, với quan niệm nhà nước chỉ là bộ máy, hệ thống cai trị) thậm chí là của Đảng cầm quyền.

- Một nền văn hóa giáo dục luôn “làm nảy nở mọi năng lực sẵn có của con người” (cụ Hồ dùng chữ của các em); và bảo đảm được rằng “ai cũng được học hành”, để làm cho “Dân tộc Việt Nam ta trở thành dân tộc thông thái” (lời cụ Hồ nói với nhân dân Hải Phòng khi từ Pháp trở về năm 1946 (Trong tài liêu Việt Nam chống nạn thất học – Viện Khoa học Giáo dục). Việt Nam không vươn lên thông thái thì trong mọi mối quan hệ với thiên hạ, ta sẽ luôn luôn ở “kèo dưới mà thôi”.

Tôi gởi những tâm tình này với lời chào trước ngưỡng cửa của Mùa xuân mới.

Nguyễn Khắc Mai

(Viết vào những ngày gió lạnh tràn về

Ô Đồng Lầm, Hà Nội.

12 – 2011)



* Tôi mượn chữ tên một tiểu thuyết hiện nay